19/2/11

Bánh chưng

Tết vừa rồi về quê, các bà, các bác gửi rất nhiều bánh chưng ra làm quà, nhìn những chiếc bánh chưng vuông vắn mang đậm tình quê hương, bất chợt những những ký ức tuổi thơ, những kỷ niệm thân thương trong gia đình cứ liên tục hiện lên trong tâm trí tôi...

Những năm đó,  không có bánh đặt làm hay bán sẵn như bây giờ. Bố mẹ tôi công tác rất bận, nhà có bà nội là người quán xuyến việc ở nhà và trông chúng tôi. Vào dịp Tết, người chủ trì nồi bánh là bà nội tôi, bà tôi là người cẩn thận, sạch sẽ và chu đáo trong mọi công việc, đặc biệt là việc chuẩn bị cho ngày Tết. Riêng đối với nồi bánh chưng thì quả là công phu;

Đầu tiên là khâu chọn lá dong: Ngày ấy, nhà tôi vườn rất rộng, vườn đằng trước, đằng sau nhà trồng đủ các loại cây rau, cây thuốc và dành riêng một góc vườn trồng lá dong. Để lá khỏi bị già, từ tháng 5 tháng 6 ta, bà đã tỉa để có lá bánh tẻ gói bánh chưng vào dịp Tết. Công việc của tôi là cắt và rửa lá. Bà bảo để bánh chưng giữ được lâu thì khâu rửa lá là rất quan trọng vì bánh hay bị hỏng là do vi khuẩn từ lá xâm nhập vào nên lá phải rửa thật sạch và lau khô. Sau khi lau khô, phân loại lá dong nào bao ngoài, lá dong nào bao trong cùng tiếp xúc với lớp gạo chọn để riêng. Nếu chọn loại lá dong già làm lớp lót trong cùng thì bánh có màu xanh đen, nếu chọn lá non quá khi bóc bánh sẽ bị dính, vì thế lá tiêu chuẩn nhất là lá dong bánh tẻ.


Tiếp đó là gạo nếp: Nếp gói bánh phải chọn loại nếp ngon, thường thì bà chọn nếp cái hoa vàng hoặc nếp quạ hạt to tròn, thơm và dẻo (giống lúa này bây giờ ở quê ít cấy hơn vì năng xuất không cao). Sau khi thu hoạch mùa, lúa để sát gạo gói bánh chưng đã được bà mua để riêng, gần Tết mới sát cho thơm. Sau đó bà vo gạo thật sạch để ráo nước rồi xóc gạo với một chút muối để ráo nước.

Nhân bánh chưng thì có nhiều loại, nhưng bà tôi chọn thịt lợn, hành, đậu xanh và hạt tiêu đen. Thịt lợn thì chọn thịt ba chỉ có cả mỡ lẫn nạc (nếu chọn thịt nạc sẽ bị xác và không thơm). Ướp thịt với chút gia vị riêng bên ngoài cho ngấm đều. Hành, tiêu giã thật nhuyễn để riêng. Khi nào bắt đầu gói bánh mới trộn chung thịt, hành, tiêu đen thêm chút muối trắng cho đậm đà. Đậu xanh thì bà chọn đậu còn cả vỏ, ngâm nước cho nở đầy rồi dùng tay bóp nhẹ để lấy hết vỏ, đãi sạch. Xóc chút muối và hấp chín đậu, sau đó đánh tơi nhuyễn, vo tròn thành nắm đều nhau. (Giờ đây tôi được biết thêm ở một số vùng quê (Hải Hậu) khi gói bánh còn cho thêm gia vị là quả tò ho (thảo quả) nên bánh có vị đặc trưng rất thơm.)

Thao tác gói bánh cũng rất cẩn thận. Một chiếc bánh chưng bà gói khoảng 2 bát gạo. Trải mặt sau lá dong (để bánh có màu xanh) vào khuôn làm bánh dùng bát múc gạo nếp đổ vào trong khuôn, cứ một lớp gạo là một lớp đậu, thịt. Gói bánh thật chặt, cột lại bằng dây lạt giang (cây giang được gác trên gác bếp nên làm lạt buộc rất mềm, dẻo, dai). Thích nhất là khi gói bánh, phần gạo cuối cùng bà để dành để gói cho anh em tôi những chiếc bánh nhỏ xinh (bà thường gọi là bánh cóc).

Khi luộc bánh, bà không quên nhắc phải đặt những cuống của lá dong xuống đáy nồi để lửa khỏi bén vào bánh. Trong quá trình luộc bánh, phải giữ ngọn lửa lớn để bánh được rền. Trời lạnh buốt. buổi tối, cả nhà tôi quây quần bên bếp lửa nghe nồi bánh chưng sôi ùng ục. Mặc dù buồn ngủ díp cả mắt nhưng anh em tôi không ai chịu đi ngủ. Ngồi cời than, nướng khoai, nghe bố mẹ kể chuyện công việc trong năm; chờ vớt bánh để lấy phần bánh cóc của mình và  háo hức chờ thời khắc giao thừa linh thiêng đến.
Khi bánh chín bố vớt ra để ráo, rải bánh trên một phản gỗ rồi dùng cối đá to đặt trên tấm gỗ trên mặt bánh ép bánh cho vuông đều. Sau đó bà gói lại bằng một lớp lá dong xanh bên ngoài cho đẹp. Chọn những chiếc đẹp nhất để lên bàn thờ tổ tiên.
Không biết là ngày ấy điều kiện kinh tế khó khăn chỉ được ăn bánh chưng vào dịp Tết hay do bánh chưng bà làm nên ăn thấy ngon như vậy. Đi đến nhà nào ngày Tết cũng có bánh chưng nhưng ăn bánh bà làm vẫn thấy ngon, mềm  dẻo và đậm đà hơn. Có lẽ chính là trong mỗi chiếc bánh, ngoài có sự chuẩn bị chu đáo về nguyên liệu còn chứa đựng cả tình cảm thiêng liêng của bà dành cho tổ tiên, con cháu trong những ngày lễ, Tết. Vì vậy, đến tận bây giờ, mỗi khi Tết đến, tôi lại nhớ đến hương vị bánh của bà.
Đã lâu lắm rồi không phải rửa lá dong, ngâm gạo hay đãi đỗ, ngồi trông nồi bánh chưng trong đêm; không được cảm nhận không khí ấm nồng quanh bếp lửa hồng với những háo hức đón chờ thời khắc giao thừa của tuổi thơ…. Bà và bố tôi cũng không còn nữa….Bao năm qua, mải mê với công việc, với những tất bật của cuộc sống đời thường. Hôm nay, bất chợt nhớ về kỉ niệm của những ngày giáp Tết đó, bỗng lòng tôi thấy buâng khuâng, xúc động lạ thường. Tôi ghi lại những kỉ niệm của tuổi thơ để được sống lại trong không khí ấm áp với gia đình trong những ngày giáp Tết ấy.

3 nhận xét:

  1. Bánh chưng ở Hải Hậu thì trong thành phần nhân còn có thêm hạt tò ho (hình như là thảo quả), ăn rất thơm.

    Không phải ngày xưa kinh tế khó khăn mà ăn bánh chưng thấy ngon, mà là do tham gia vào quá trình làm bánh, rồi chờ đợi, háo hức... Không háo hức nữa thì ăn sẽ không ngon.

    Trả lờiXóa
  2. Ơ, em thấy trong từ điển quê bác có ghi tò ho = thảo quả cơ mà? xem ra từ này chủ biên vẫn chưa chắc chắn nhề?
    Đúng là có tham gia làm bánh, chờ đợi, háo hức nên ăn thấy ngon, nhưng cũng do chỉ được ăn vào dịp Tết nên thấy ngon hơn. Còn bây giờ muốn ăn lúc nào cũng có nên giảm ngon đi.
    Chắc ngày bác còn nhỏ cũng phải phụ nấu bánh chưng nên hiểu thế nhỉ???

    Trả lờiXóa
  3. Bởi vì bác cũng chưa biết thảo quả nó dư lào. Hơ hơ.

    Ngày còn nhỏ bác phải làm nhiều việc lắm, nông dân xịn mà. Nên giờ hơi nhiều "cậu chuyện nếp", hehe.

    Trả lờiXóa